Bắt nguồn lễ hằng thuận

Bình luận về bài viết này

Hôn nhân, đối với tổ tiên ta ngày xưa, được xem rất là quan trọng. Việc định vợ gả chồng là chuyện trăm năm, nên phải có sự chọn lựa kỹ càng. Có nhiều gia đình giàu có sang trọng, họ thường chọn môn đăng hộ đối. Cho nên, một lễ cưới ngày xưa rất là rườm rà, đủ thứ lễ nghĩa. Ngày nay, người ta đơn giản đi rất nhiều. Đại khái chỉ còn giữ tập tục 2 lễ chánh thức, đó là lễ hỏi và lễ cưới. Lễ Hằng Thuận- hay nói đúng hơn là lễ cưới tổ chức theo kiểu Phật Giáo. Người khởi xướng ra nghi lễ Hằng Thuận là Ông Đồ Nam Tử. Ông tên thật là Nguyễn Trọng Thuật (1883 – 1940) quê ở Hải Dương. Ông vốn là một nhà nho, sau ông chuyển qua đạo Phật và là người cổ vũ phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà.

Nghi lễ kết hôn trước sự chứng kíên của Đức Phật và đây cũng là một trong những lời kêu gọi cải cách của ông. Đồ Nam Tử cho rằng đạo Phật nên được dấn thân và hoà hợp vào quần chúng. Vào năm 1930, bác sỹ Lê Đình Thám, đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm – Huế . Có thể nói đây là lễ cưới đầu tiên trước cửa Phật được các chư Tăng chứng minh . Hưởng ứng theo lời kêu gọi của Đồ Nam Tử, vào năm 1971 Hoà Thượng Thiện Hoa đã dùng hai chữ Hằng Thuận để chỉ việc kết hôn trước cửa Phật. Nghi lễ được tiến hành cũng gần giống như lễ cưới thông thường. Chỉ khác một điều, chủ hôn là một vị Hoà thượng hay chư Tăng, Ni được mời tới dự lễ. Chư vị Hoà thượng sẽ đứng ở phía trên khán đài, gia đình nhà cô dâu, chú rể cùng bạn bè sẽ đứng ở hai bên. Khi buổi lễ diễn ra, tân lang và tân nương sẽ quỳ trước mặt các vị Chư Tôn Đức Tăng, Ni . Trước khi làm lễ, vị chủ hôn sẽ hỏi xem cô dâu, chú rể đã quy y chưa, nếu chưa thì quý Thầy, Cô sẽ làm lễ quy y cho hai vợ chồng trước, rồi mới tới nghi lễ cưới. (nếu quy y rồi thì thôi không phải làm nữa).

Tiếp theo, hai người sẽ quỳ trước hình tượng của Đức Phật để phát nguyện và nhận lời ban phước cũng như lời răn dạy của vị trụ trì buổi lễ. Bài pháp ngắn nói về : Đạo làm con đối với cha mẹ phải như thế nào? Đạo làm chồng đối với vợ phải ra sao và ngược lại. Sau khi nghe lời giáo huấn của quý Thầy, Cô xong thì cả hai vợ chồng đều quỳ phát nguyện hồi hướng công đức cho tất thảy mọi người.

Đối với một người dù nam hay nữ khi nói lễ cưới thì họ cho rằng đó là điều vô cùng quan trọng và nó mang nhiều ý nghĩa của một đời người. Vào ngày người con gái vu quy, thì đó cũng chính là ngày xã hội và bạn bè thừa nhận là cô đã có gia đình, đã trưởng thành và đã có khả năng trở thành người vợ, người mẹ. Thế còn người con trai thì sao? Người con trai sau khi lập gia đình, xã hội biết tới anh với cương vị là một người chồng, người cha, một chỗ dựa và là mái ấm cho vợ con sau này.

Vào ngày lễ thiêng liêng ấy, không ai là không muốn mình hạnh phúc vui vẻ, và họ cũng mong muốn làm một điều gì đó có lợi ích cho mọi người trong ngày vui này. Ngày xưa khi vua chúa thành thân, họ đều ban bố mở kho lương thực, hay bãi miễn sưu thuế cho dân chúng để toàn dân chúc phúc ngày quan trọng nhất đời của họ.

Là một Phật tử đã bao giờ bạn nghĩ đến tiệc cưới chay chưa? Nếu bạn là một Phật tử tại gia, bạn chắc biết rằng trong năm giới, có giới “Không sát sanh hại vật”. Bạn cứ thử nghĩ coi vào ngày cưới vô cùng ý nghĩa này, trên bàn tiệc bày la liệt nào chim, cá, tôm, gà, bò v.v.. thì sẽ như thế nào? Bạn có thấy sợ không khi mà hàng ngày chúng ta cố gắng giữ giới không sát sanh.?. Vậy mà tại sao ta lại giết hại bao nhiêu sinh linh để làm tiệc chúc tụng ta?

Ở đây, tôi không hề bài xích tiệc mặn, tôi chỉ muốn đưa ra ví dụ cho các bạn tham khảo để biết mà cân nhắc: Ta có nên đổi từ tiệc mặn sang tiệc chay hay không? Để làm được điều này quả thật không đơn giản nhưng “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Việc này không khó, chỉ cần các bạn quyết tâm thì sẽ làm được, dù bạn có phải là Phật tử, hay có phải là thiện nam, tín nữ hay không. Miễn là bạn thích, mong muốn và quyết tâm làm thì tất cả sẽ vượt qua được.

Ở Việt Nam, việc làm lễ cưới tại chùa, rất hiếm thấy. Nhưng từ khi người Việt mình ra hải ngoại đến giờ, thì việc làm lễ cưới tại chùa dường như không còn xa lạ đối với người Việt mình nữa. Sở dĩ người Phật tử tổ chức lễ cưới trong chùa, theo chỗ chúng tôi được biết thì, cũng có nhiều lý do. Trước hết, cần nói rõ, Phật giáo không có một nghi thức cố định cho lễ cưới nầy. Lễ nầy, theo Phật giáo gọi là lễ “hằng thuận”. Tùy thời gian và hoàn cảnh ở mỗi nơi mà chư Tăng Ni linh động hành lễ cho nó thích hợp.

Đối với người Việt tỵ nạn ly hương, thật đây là một hoàn cảnh mà tận thâm tâm của mỗi người không ai muốn xa quê hương xứ sở của mình.Nhưng vì hoàn cảnh mà phải bỏ nước ra đ i. Khi đến xứ lạ quê người, bao nhiêu tình cảm yêu thương gắn bó đối với quê hương, xóm giềng, chùa chiền đã mất mát đi quá nhiều. Do đó, người Phật tử muốn tìm lại cái không khí mái ấm gia đình của quê hương thân thiết ngày nào trong tình tự hài hòa của một dân tộc, thì không đâu hơn bằng mái ấm đầy tình người của một ngôi chùa. Vì:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Do đó, mà sự tổ chức một lễ cưới tại chùa cũng mang lại nhiều ý nghĩa cho đời sống tâm linh của chú rể và cô dâu sau nầy.

Buổi lễ diễn ra trước sự chứng kiến của hai họ và trước Tam Bảo chứng minh, nhứt là lại được nghe những điều giảng dạy về đạo đức làm người trong đời sống hôn nhân theo tinh thần Phật dạy trong Kinh Thiện Sanh của chư Tăng Ni. Từ đó, sẽ gây một ấn tượng sâu đậm thêm trong việc đối xử của đôi nam nữ sau nầy, nhứt là, ý nghĩa rất sâu xa của chiếc nhẫn.

Khi chú rể và cô dâu trao nhẫn cưới cho nhau, điều đó nói lên, biểu trưng cho việc cư xử trong tinh thần nhường nhịn yêu thương tương kính lẫn nhau của hai người. Cuộc sống lứa đôi nếu thiếu đi yếu tính nầy, thì khó có thể xây dựng được hạnh phúc lâu bền. Do đó, khi hai bên trao nhẫn cho nhau, dưới sự chứng minh của Tam Bảo và hai họ, thì đây quả là một điều mang ý nghĩa thật hết sức quan trọng. Vì thế mới gọi đây là lễ hằng thuận. Hằng là luôn luôn, thuận là hòa thuận. Muốn luôn luôn hòa thuận với nhau, thì cả hai đều phải biết tương kính nhường nhịn nhau. Đó cũng là ý nghĩa của chiếc nhẫn mà tổ tiên ta đã bày ra cho mọi người noi theo.

Ngoài ra, còn có việc ký hôn thú cho hôn nhân. Nhưng điều nầy, theo tôi, không quan trọng lắm. Điều quan trọng là làm sao cho đôi nam nữ hiểu được ý nghĩa của đời sống lứa đôi trong tinh thần yêu thương hòa kính theo những lời Phật dạy. Đó mới là trọng tâm ý nghĩa của buổi lễ. Và đó mới thật sự có tác động mạnh trong đời sống tâm linh của đôi nam nữ sau nầy.

Tóm lại, việc tổ chức một nghi thức đơn giản cho lễ cưới của người Phật tử trong chùa, mặc dù, đây không phải là một truyền thống của Phật giáo, nhưng nó cũng nói lên một ý nghĩa đặc thù trong chiều hướng xây dựng hạnh phúc gia đình trong tinh thần yêu thương qua nếp sống cư xử hòa kính của người Phật tử. Những lời phát nguyện trước Tam Bảo của hai người, nó có một tác động rất mạnh mẽ cho đời sống tâm linh về sau. Vì thế, mà việc tổ chức lễ cưới trong chùa, nó cũng mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp và rất là hữu ích vậy.

HỮU ÍCH CỦA MỘT THIỀN ÁN

Bình luận về bài viết này

Trong thiền học ta co công án: “Đầu lọt, bụng lọt, đuôi không lọt”.

Thiền án ấy thật phi lý đối với những chiêm nghiệm vật lý.

Có sự hiện hữu nào thuận về vật lý mà cái đuôi to hơn cái đầu và cái bụng không nhĩ?

Không. Một trăm phần trăm là không. Vì là không một trăm phần trăm, nên công án ấy trở thành công án miên mật và sống chết của thiền giả.

Nhưng thiền án ấy, ta chiêm nghiệm từ phía tâm học, thì nó không phải là phi lý mà chân lý đối với tất cả chúng ta.

Ta khởi lên một ý niệm tốt, nhưng ý niệm ấy, ta khó mà duy trì từ khi phát sinh cho đến tận giai đoạn cuối cùng.

Như vậy, ngay cả một ý niệm tốt khởi lên ở tâm thức ta, nó có thể tồn tại ở khoảnh khắc đầu, mà không tồn tại ở khoảnh khắc thứ hai và nó có thể tồn tại đến khoảnh khắc thứ hai, nhưng không thể kéo dài và tồn tại đến khoảnh khắc thứ ba, và lại tiếp tục sau đó hay cả một đời người.

Nên, ngay trong một ý niệm thiện của ta khởi lên từ tâm thức, mà nó có khi đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt, huống chi là sự hành xử của ta xuyên suốt một đời người!

Ta ngồi vào một bữa ăn hay một bữa tiệc, bước đầu ta ăn uống rất từ tốn, sau đó thì còn từ tốn nữa, ta bị điều khiển bởi bản năng ăn, nên ta ăn uống không còn dễ thương và đẹp như buổi ban đầu.

Như vậy, ngay trong bữa ăn, ta bị rơi vào tình trạng: “Đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt”.

Ở mặt tình cảm vợ chồng, thân hữu cũng vậy. Bước đầu ta quen nhau, ta thương nhau và quý nhau, nhưng sống gần bên nhau, thấy rõ những nhược điểm của nhau, khiến cho tình cảm của ta không còn như thuở ban đầu ấy và những đối xử của ta với nhau không còn dễ thương như ngày ấy nữa.

Như vậy, đầu và bụng tình cảm của ta đối xử với nhau lọt, mà cái đuôi tình cảm của ta không lọt.

Ở mặt con người chúng ta cũng vậy. Ở tuổi trẻ ta ham học và vô tư, đến tuổi trưởng thành ta có nhiều hạo khí, nghĩa hiệp, thấy việc phải thì làm mà không tính toán, ghét những kẻ so đo, tính toán và bạc nhược; ta sống vì người quên mình, vì nước quên thân, nhưng khi tuổi già hạo khí ẩn mất, nghĩa hiệp không còn, quên hết mọi người mà chỉ thích con cháu, quên hết danh dự và quyền lợi quốc gia, chỉ còn nghĩ tới những quyền lợi lặt vặt cho mình, đó là con người của ta: “Đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt”.

Ở mặt xã hội cũng vậy, ta đưa ra một học thuyết, một chủ nghĩa, một chính sách, một chủ trương mà ngày hôm nay làm theo thì tốt, ngày mai làm theo là xấu; ngày hôm qua làm là đúng, mà ngày nay làm là sai. Và lại nữa, cái đúng của ngày hôm qua không còn là cái đúng của ngày hôm nay và ngày mai.

Như vậy, ở mặt xã hội đã rơi vào tình trạng: “Đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt”.

Do đó, trong đời sống ta phải sống như thế nào, để đời sống của ta có tiền vận tốt, trung vận tốt, hậu vận tốt, và nếu không được cả ba thời vận đều tốt, thì ít nhất là hai: tiền vận xấu, trung vận xấu, mà hậu vận tốt, chứ đừng bao giờ để xẩy ra tình trạng: “Tiền vận và trung vận tốt, nhưng hậu vận xấu”.

Ta sống tiền vận và trung vận tốt mà hậu vận xấu, chứng tỏ đời sống của ta: “Đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt”.

Đời sống của một người mà “đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt” là đời sống của một người có hành xử với người khác: “Trước mặt tốt, sau lưng xấu; trước mặt là bạn, sau lưng là thù; trước mặt là phải, sau lưng là quấy; trước mặt là khen, sau lưng là chê…”.

Đó là đời sống của một người phản trắc, không thỉ chung, hậu quả sẽ xảy ra cho họ rất xấu.

Bởi vậy, thiền án nầy, chúng ta cần chiêm nghiệm thật sâu sắc và hết sức thực tế từ nhiều mặt, để thấy hữu ích của một thiền án đem lại cho đời sống của tất cả chúng ta!

Và thiền án không còn là đối tượng để cho những ẩn sĩ chiêm nghiệm từ núi rừng cô tịch mà là một án treo giữa công đường cho tất cả mọi người trong một xã hội đầy sinh động và đa thù, chọn lựa và thực nghiệm để có nhiều cơ hội đi lên.

Người ấy là chủ

Sống ở đời không ai thích đi làm thuê mướn, mà ai cũng thích làm chủ thôi. Nhưng làm sao ta có thể làm chủ được, khi ta chưa làm chủ được tâm ý?
Tâm ý của ta thường bịa điều động bởi những hạt giống tham, sân, si, kiêu mạn và chấp ngã, nên trong đời sống, ta thường đi làm thuê và nói mướn cho nó, suốt ngày và suốt đêm, không bằng hình thức nầy, thì cũng bằng hình thức khác.

Ta làm thuê cho lòng tham của ta; ta nói thuê cho lòng tham của ta và ta nghĩ thuê cho lòng tham của ta. Và, nếu ta không làm thuê và nói mướn cho lòng tham, thì ta cũng làm thuê, nói mướn cho lòng sân, lòng si và tâm kiêu mạn chấp ngã nơi ta.

Xã hội ngày nay, người ta đã nói nhiều về dân chủ và nhân quyền, như là những miếng mồi chính trị treo lơ lững giưa hư không trước miệng của những chú mèo, nhưng người ta đã quên đi một điều cực kỳ quan trọng là không ai có thể hiến tặng dân chủ và nhân quyền cho ai được cả và không có một quốc gia nào có khả năng và quyền hạn ban tặng dân chủ và nhân quyền cho những quốc gia nào khác.

Tại sao? Vì lòng tham chưa sạch, lòng sân còn ẩn tàng, lòng si còn manh nha hoạt động, tính chấp ngã và bè phái đang bộc lộ trong mọi hành hoạt một cách công khai hay tế nhị. Tế nhị trong chính sách ngoại giao “mềm”, và công khai trong những kho vũ khí chiến lược “cứng”.

Vì vậy, ta không làm chủ được tâm ý, tâm ý của ta đang bị các tham dục, sân hận, si mê, kiêu mạn và chấp ngã điều khiển, thì làm gì có dân chủ, nhân quyền để ta hiến tặng cho người khác và cho những quốc gia khác.

Nên, ta muốn có dân chủ, nhân quyền, thì trước hết ta phải học tập cách làm chủ tâm ý. Ai làm chủ được tâm ý, không để cho tâm ý bị điều động bởi các tham dục, sân hận, si mê, kiêu mạn và chấp ngã, thì người ấy có tự do và chủ quyền đối với cuộc sống. Người ấy có sự tự do, dân chủ và nhân quyền một cách đích thực cho chính nó, mà không cần ai ban tặng hay một quốc gia nào ban tặng. Người ấy là chủ và chủ là người ấy.
TÁC GIẢ: Thích Thái Hòa

khai mạc

1 bình luận

đây là bài đầu tiên trên trang WordPress nên thử nè hehehe

Sư phụ tuyệt vời con chúc sư phụ tinh tấn nhé!đây là Sư Phụ mình đóa!